Hiện nay, có nhiều các dự án và gói thầu xây dựng quy mô lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao. Phần lớn được triển khai theo hợp đồng ký kết giữa các nhà thầu xây dựng với chủ đầu tư. Để đảm bảo hợp đồng thành công, đầu tư có hiệu quả, chủ đầu tư và nhà thầu đều cần chú trọng tới việc quản lý hợp đồng thông qua các phương pháp và công cụ phù hợp.
Quy trình quản lý hợp đồng xây dựng bao gồm các giai đoạn: hình thành gói thầu; đấu thầu hoặc chỉ định thầu; tiến hành thương thảo, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng. Trong đó, giai đoạn thương thảo, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng có vai trò quyết định đối với tất cả hình thức đầu tư.
Về bản chất, quản lý thực hiện hợp đồng không tách rời với thương thảo, ký kết hợp đồng. Thời gian qua, ở Việt Nam, công tác quản lý thực hiện hợp đồng, đặc biệt là với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước, chưa thực sự được chú trọng. Một số nguyên nhân có thể thấy như: bộ máy ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế về nhân sự có chuyên môn kinh nghiệm về quản lý hợp đồng; quy định về loại hình và khoản mục chi phí cho loại hoạt động tư vấn này chưa được thống nhất và rõ ràng trên các văn bản pháp luật, đồng thời vai trò quan trọng của công việc quản lý thực hiện hợp đồng chưa được đánh giá đúng mức. Những hạn chế này đã dẫn đến một số bất cập trong các dự án, gói thầu xây dựng.
Việc hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp luật liên quan gần đây minh chứng cho nhu cầu và sự cần thiết của hoạt động tư vấn về Quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng trong thực tế. Điều 7 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định rõ nội dung, trách nhiệm các bên trong quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng. Bên cạnh đó, Nghị định này có nhiều nội dung liên quan tới quy định nghiệp vụ quản lý hợp đồng xây dựng. Ngoài ra, Luật Xây dựng 2014, Luật số 6/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; các văn bản hướng dẫn của hai luật này đều có quy định nhiều nội dung về quản lý thực hiện hoạt động xây dựng của các chủ thể tham gia, về cơ bản đều có liên quan tới quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng.
Cùng với đó, Điều 43 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã khẳng định Quản lý thực hiện hợp đồng là một hoạt động phải thực hiện trong Quy trình lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả nhà thầu xây dựng; Nghị định số 22/2024/NĐ-CP quy định công việc quản lý thực hiện hợp đồng là một hoạt động tư vấn trong lựa chọn nhà thầu.
Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần quan tâm nghiên cứu, bổ sung quy định về quản lý chi phí tư vấn quản lý hợp đồng xây dựng để phát huy tốt vai trò của hoạt động này phục vụ quản lý các dự án đầu tư xây dựng thành công, hiệu quả.
Ts. Lê Văn LongViện Kinh tế và Hợp đồng xây dựng.