Nghị định số 123/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 của Chính phủ (NĐ 123) quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể và cơ chế đặc thù cho một số dự án đường sắt đã được Chính phủ ban hành kịp thời để hướng dẫn các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (ĐSTĐC), Dự án đường sắt Lào Cai- Hà Nội – Hải Phòng (ĐSLC-HN-HP) và các Dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (ĐSĐT).
Các dự án đường sắt nêu trên đều là các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia và đời sống của người dân. Một số dự án ĐSĐT đã được thực hiện đều bị vượt thời gian và tăng chi phí so với thời gian và chi phí trong dự án đầu tư được phê duyệt. Có dự án thời gian thực hiện kéo dài hơn chục năm, tổng mức đầu tư tăng gấp hơn 2 lần nên hiệu quả đầu tư của dự án không bảo đảm, gây lãng phí lớn. Một số dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao của các nước như Anh Quốc, Hoa kỳ,.. cùng bị chậm tiến độ và tăng chi phí gần như các dự án ĐSĐT của Việt nam.
Có nhiều nguyên nhân làm cho các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC bị chậm tiến độ và tăng chi phí, trong đó có nguyên nhân về chậm giải phóng mặt bằng, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, việc phân chia gói thầu chưa hợp lý, lần đầu thực hiện ở Việt Nam; do cơ chế chính sách còn chồng chéo, chưa rõ, chưa đủ, chưa phù hợp; do năng lực cán bộ quản lý dự án còn hạn chế, chưa lường hết những gì xảy ra khi dự án bắt đầu triển khai,…
Để khắc phục các tồn tại của các dự án đường sắt trong thời gian qua, nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả các dự án ĐSTĐC, ĐSLC-HN-HP, ĐSĐT, Quốc Hội đã ban hành 03 Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các dự án này, Chính phủ thể chế cụ thể bằng các Nghị định, trong đó có NĐ 123.
NĐ 123 cụ thể hóa các cơ chế đặc thù về vốn, quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), quy chuẩn và tiêu chuẩn, lập và thẩm định dự án, thiết kế, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, quản lý dự án, … Bài viết này tác giả trao đổi về cơ chế đặc thù liên quan đến quản lý chi phi (QLCP) của NĐ 123.
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là một trụ cốt chính của quản lý dự án, vì tổng mức đầu tư luôn là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu, mọi chỉ tiêu khác (chất lượng, an toàn, tiến độ,...) đều phụ thuộc và liên quan đến chi phí. Chi phí luôn là một nút thắt đối với các dự án lớn, dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, lần đầu thực hiện ở Việt Nam như các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC sắp tới.
Vướng mắc nhất trong quản lý chi phí các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC là làm sao xác định tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu, giá hợp đồng của các dự án đúng và đủ. Trong các Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép vận dụng, áp dụng các suất vốn đầu tư, suất chi phí, đơn giá, …của các dự án của nước ngoài, các tổ chức trên thế giới công bố, tính chuyển về thời gian, điều kiện cụ thể của Việt nam. Nhưng khi tìm hiểu thực tế thì tôi thấy suất vốn đầu tư, suất chi phí, ...của các dự án của các nước trên thế giới rất khác nhau, có nhiều mức chi phí chênh lệch cả mấy trăm phần trăm, nếu chúng ta không biết được căn cứ xác định của các mức chi phí đó để phân tích, tính chuyển và áp dụng để quản lý chi phí các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC của chúng ta sẽ rất rủi ro.
Tại điểm a và b, khoản 4, Điều 62, NĐ 123, chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo:
"a) Chỉ đạo tổ chức thu thập dữ liệu hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật của các nước trên thế giới để chuyển đổi, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng phục vụ việc quản lý chi phí các công trình thuộc các dự án nêu tại Điều 1, NĐ 123; chỉ đạo tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu và xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ việc ban hành định mức xây dựng và định mức bảo dưỡng, vận hành, bảo trì các công trình thuộc dự án nêu tại Điều 1, NĐ123.
b) Bố trí ngân sách để thực hiện trách nhiệm nêu tại khoản a Điều này và để vận hành tạm công trình (nếu có).”
Với quy định trên sẽ tháo gỡ vướng mắc lớn trong quản lý chi phí các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC, vì theo tôi được biết một số nước trên thế giới có hệ thống định mức dự toán xây dựng đầy đủ hơn chúng ta. Ví dụ như Nhật Bản họ có bộ tiêu chuẩn dự toán bao gồm khoảng 60 ngàn định mức cho các công trình nhà (nhà ở và công trình công cộng), và các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường bộ, đường sắt, cầu bê tông, cầu thép, cảng sông, cảng biển, kè song, kè biển, công viên, ...). Trung Quốc có hệ thống định mức dự toán đồ sộ gấp nhiều lần của chúng ta, về xây dựng đường sắt nội đô họ có một bộ 10 tập định mức dự toán (khoảng gần 10 ngàn định mức), đường sắt ngoài đô điện khí hóa họ có bộ định mức 13 tập định mức (hơn 13 ngàn định mức). Việt Nam chúng ta mới có hệ thống định mức áp dụng chung khoảng 14 ngàn định mức, và định mức chuyên ngành khoảng gần bằng định mức áp dụng chung.
Với quy định như Điều 62 của NĐ 123 chúng ta có thể tham khảo, chuyển đổi các tập định mức của các nước cho phù hợp với các điều kiện của xây dựng đường sắt của chúng ta, nhất là các tuyến áp dụng tiêu chuẩn đường sắt của Trung Quốc. Các tập định mức chuyển đổi này làm cơ sở xác định đợn giá để lập, thẩm tra, thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xác để làm giá gói thầu. Sau khi ký hợp đồng, đi vào triển khai thi công chúng ta cho triển khai khảo sát kiểm chứng, hoàn thiện, ban hành áp dụng cho các dự án sau.
Để công việc triển khai đáp ứng kịp thời tiến độ các dự án thì chúng ta nên giao cho chủ đầu tư các dự án ĐSĐT, ĐSTĐC tổ chức triển khai nhiệm vụ này, lựa chọn nhà thầu tư vấn này bằng phương thức chỉ định thầu, và nguồn kinh phí lấy từ chi phí khác của tổng mức đầu tư.
Với cơ chế và cách làm trên tôi nghĩ một nút thắt lớn trong quản lý chi phí các dự án ĐSĐT và ĐSTĐC sẽ được tháo gỡ, đảm bảo tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư, dự toán, giá hợp đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong các dự án ĐSĐT, ĐSTĐC của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế đất nước theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc Hội, Chính phủ và sự mong đợi của nhân dân.
TS Phạm Văn KhánhViện trưởng Viện Kinh tế và hợp đồng xây dựng